Vườn thú trong công viên 29/3 tại Đà Nẵng là cả một tuổi thơ của biết bao thế hệ trẻ nhỏ. Tuy nhiên, mới đây, đại diện Công viên 29/3 và Sở Xây dựng Đà Nẵng đã có cuộc họp bàn bàn bạc về việc giải thể vườn thú.
Tin vườn thú sắp giải thể đã làm cho không ít trẻ nhỏ và phụ huynh tại Đà Nẵng và các khu vực lân cận buồn rầu. Họ tiếc nuối vì mất đi một nơi vui chơi lành mạnh cho con em của mình.
Cứ đến dịp lễ, tết là vườn thú lại nhộn nhịp, đông đúc trẻ nhỏ và phụ huynh đến tham quan, tìm hiểu về thế giới động vật. Ngày thường, cũng có vài người đưa con tới để chúng tự tay cho nai ăn. Lũ trẻ luôn tỏ ra thích thú khi đến đây.
Được biết, vườn thú đã được hình thành hơn 30 năm nay. Hiện tại, vườn thú là nơi cư trú và sinh sống của 12 con nai, 1 con cá sấu, 1 con trăn đất, 1 con cầy mực và 8 con khỉ.
Theo các nhân viên tại vườn thú, 12 con nai này là kết quả “tình yêu” của một cặp nai lâu năm tại đây. Do sinh sản cận huyết nên 12 con nai hiện tại đều rất yếu, chậm lớn và rất khó chăm sóc.
1 con cá sấu được nuôi nhốt tại khu riêng có hàng rào sắt bao quanh ngăn nó với du khách. Tại đây có bố trí hồ nước ở giữa để cá ngụp lặn, có khu thềm bê tông khô ráo để cá phơi nắng. Được biết, con cá sấu này đã sống gần 20 năm, dài khoảng 2m, thức ăn chủ yếu của nó là thịt lợn.
1 con trăn đất cũng được nhốt vào lồng riêng với lớp xi măng cũ, được bao bọc cẩn thận để ngăn trăn bò trườn ra ngoài. Trăn là con vật có kích thước tương đối lớn. Tuy nhiên mỗi tháng trăn chỉ ăn đều đặn 2 lần với thức ăn chủ yếu là gà.
1 con cầy mực được nhốt trong chiếc cũi rộng gần 10m2, có bố trí khu sàn xi măng khô ráo cho thú ngủ và bể nước sạch cho thú tắm.
8 con khỉ được nhốt riêng trong 5 chiếc lồng. Thức ăn chủ yếu của khỉ là cơm và rau quả.
Tuy số lượng thú tại đây không quá nhiều nhưng vẫn là nơi ghé đến của không ít trẻ nhỏ và những người yêu động vật.
Giải thích cho nguyên nhân giải thể vườn thú, đại diện công viên 29/3 cho biết có một số yếu tố liên quan bắt buộc phải đi đến quyết định giải thể vườn thú, đó là:
- Đa số các loài tại đây đều đã già, số còn lại lại yếu, chậm phát triển
- Chức năng của vườn mang ý nghĩa giáo dục, nhưng mấy năm trở lại đây, đầu vào của vườn thú không có, điều kiện nuôi nhốt lại chật chội nên các loài rất khó sinh trưởng
- Công ty phải tự túc kinh phí vườn thú mà không nhận được hỗ trợ của các ban ngành liên quan, nên về lâu dài, kinh phí này sợ không còn nữa
- Vườn thú nằm rất gần với khu dân cư, nên dù được vệ sinh thường xuyên nhưng vẫn bốc mùi hôi thối, nhất là vào mùa hè nóng nực gây khó chịu, bức xúc cho người dân.
Trả lời câu hỏi “rồi những con thú này sẽ đi về đâu?”, đại diện công viên 29/3 cho biết:
- Công ty đề xuất thành phố cho chuyển vườn thú đi nơi khác để lấy diện tích trồng cây xanh hoặc khu tập thể dục cho người dân
- Đề xuất gửi các con thú cho kiểm lâm thả về rừng Sơn Trà, hoặc tặng cho các khu bảo tồn, các vườn thú khác để có điều kiện chăm sóc tốt hơn.
Xem thêm: Đà Nẵng: thêm 5 tuyến đường cấm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ từ ngày 1/9
Hoiandanang.com
Ảnh nguồn Internet